Ngày xửa ngày xưa: Để con nít coi cho sướng!

  09/05/2017

Vì là số đặc biệt, tròn trĩnh 30 nên năm nay IDECAF có sự đầu tư khá lớn cho vở Hoàng tử - công chúa và 9 vị thần... bị bắt (tác giả: Minh Phương, đạo diễn: Vũ Minh) với kịch bản khá hấp dẫn.

Vở đưa các em trở về đất Việt thời cổ, lấy bối cảnh ở vùng đất Phong Châu, nơi được sự phù hộ của thần Mặt trời, thần Mặt trăng và các vị tiểu thần.

Bất trắc và gian nan ập xuống năm hoàng tử và công chúa bé nhỏ khi bị thần Bóng đêm bắt cóc. Họ đã dũng cảm ứng phó với thử thách như thế nào?... Một hành trình đầy phiêu lưu đang chờ các bạn nhỏ khám phá.

Để con nít coi cho sướng

 

20 năm trước, bộ ba nghệ sĩ Thành Lộc - tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc - đạo diễn Đoàn Khoa đã “để ý” đến ông Huỳnh Anh Tuấn - người ham chơi với bọn trẻ và quản lý ngon lành đội múa rối Nụ Cười. Họ... xúi ông bầu nhảy vô làm kịch thiếu nhi.

Vậy là năm 1997, từ ý tưởng của ba nghệ sĩ với sự góp sức tổ chức của ông Huỳnh Anh Tuấn, sân khấu Thế giới nhỏ chuyên diễn kịch thiếu nhi vào chủ nhật hằng tuần ra đời tại IDECAF. Chỉ trong một tháng, sân khấu thắng lớn nên diễn đến 4-5 suất trong ngày chủ nhật.

Thấy ông bầu mát tay, NSƯT Thành Lộc tiếp tục “xúi” Huỳnh Anh Tuấn làm luôn sân khấu kịch dành cho người lớn. Vậy là trong năm đó, IDECAF với mô hình sân khấu xã hội hóa gần như cùng lúc trình làng khán giả sân khấu kịch thiếu nhi và sân khấu kịch người lớn, trở thành “anh cả” cho nhiều sân khấu kịch xã hội hóa sau này tại TP.HCM.

Hoạt động được ba năm, ông bầu lại... dòm ngó chương trình ca múa nhạc Tuổi thần tiên (diễn tại nhà hát Hòa Bình) rồi “ghen tị”: “Sao sân khấu kịch thiếu nhi mình không thể làm hoành tráng để con nít coi cho sướng?”.

Thế là ông bầu và các nghệ sĩ nghĩ đến việc xây dựng chương trình Ngày xửa ngày xưa tại nhà hát Bến Thành. Rạp lớn gấp ba lần, số lượng ghế tăng gấp ba lần, đầu tư trang trí, thiết bị âm thanh, ánh sáng, kỹ thuật cũng gấp ba và catsê diễn viên cũng gấp ba!

Từ cổ tích đến hiện đại

Tháng 6-2000, vở Tấm Cám ra đời, mở đầu chương trình Ngày xửa ngày xưa.

Chương trình thành công ngoài mong đợi, 15 suất diễn khán giả luôn đạt trên 700 ghế. Ngày xửa ngày xưa thừa thắng xông lên, từ năm 2000 - 2005 mỗi năm IDECAF thực hiện đến ba chương trình Ngày xửa ngày xưa vào các dịp hè, Trung thu và Noel.

Nhiều vở diễn vẫn còn được một số kênh truyền hình thiếu nhi phát đi phát lại như: Hoàng tử Sọ Dừa; Chum vàng, chum rắn; Công chúa Chích Chòe; Aladin và đủ thứ thần; Cậu bé rừng xanh; Nàng Bạch Tuyết lạc 7 chú lùn...

Từ thành công này, Đài truyền hình TP.HCM mời IDECAF hợp tác với đài làm chương trình thiếu nhi. Và suốt khoảng 10 năm, nhóm Líu Lo (gồm Thành Lộc, Hữu Châu, Bạch Long, Thanh Thủy, Hoàng Trinh...) đã tái hiện Ngày xửa ngày xưa trên sóng truyền hình, thu hút nhiều bạn nhỏ.

Để tạo tính độc đáo, Huỳnh Anh Tuấn luân phiên thay đổi hai êkip sáng tạo kịch bản Ngày xửa ngày xưa. Êkip tác giả Quang Thảo, đạo diễn Đình Toàn mạnh về tính phiêu lưu, trí tưởng tượng, đưa ra những bài học có tính chiêm nghiệm cho các em>

Còn êkip đạo diễn Vũ Minh và trước đây là tác giả Thanh Phương (đã mất) khai thác những kịch bản nhiều màu sắc, có tính hành động cao. Cứ luân phiên mỗi năm như thế để mang đến sự thay đổi màu sắc cho Ngày xửa ngày xưa.

Từ buổi đầu khai thác chủ yếu dựa vào câu chuyện cổ tích gốc và đến nay xem các vở diễn Ngày xửa ngày xưa, các bé sẽ thấy vừa quen vừa lạ.

Vì sẽ bắt gặp nhân vật ở đâu đó trong câu chuyện nhưng không y chang cổ tích, thần thoại, mà mang tính cách mới, gần gũi với cuộc sống hiện đại hơn.

Các vấn đề trong việc học, chơi của các em cũng được cập nhật, nào là chuyện nghiện game, cãi lời cha mẹ dễ bị bọn xấu bắt cóc, học cách sống văn minh biết xếp hàng, không xả rác bừa bãi...

 Ngày xửa ngày xưa: Để con nít coi cho sướng!

Đường thênh thang nhưng vẫn gặp khó

Sau năm 2005, Ngày xửa ngày xưa rút xuống chỉ còn hai số một năm (vào dịp 1-6 và trung thu, né Noel vì các bé vướng lịch thi).

Và hiện tại khi các hoạt động biểu diễn chung đang gặp khó khăn thì mỗi năm chỉ còn một số, chia ra hai đợt diễn. Như Ngày xửa ngày xưa năm nay sẽ diễn 26 suất dịp 1-6 (từ ngày 20-5 đến 25-6) và kế hoạch là diễn 4 suất nữa vào mùa trung thu.

Ngày xửa ngày xưa đã trở thành thương hiệu kịch thiếu nhi dành cho các khán giả nhí mỗi dịp hè về. Một số sân khấu kịch thành phố cũng đã cố gắng dựng kịch thiếu nhi, nhưng rồi đến thời điểm này gần như không ai có thể trụ lại hoặc trụ lại cầm chừng.

Tưởng đường rộng thênh thang thế thì cứ việc mà bước, nhưng ông bầu Huỳnh Anh Tuấn vẫn còn lắm băn khoăn: “Kịch bản khai thác quá nhiều rồi sắp tới sẽ làm đề tài gì?

Bây giờ có quá nhiều loại hình giải trí níu kéo cha mẹ. Mà cha mẹ không quan tâm thì ai sẽ dắt trẻ nhỏ đến với sân khấu?”.

Lực lượng diễn viên kế thừa cũng quá mỏng, những Thành Lộc, Hữu Châu, Bạch Long, Hoàng Trinh... đã trụ Ngày xửa ngày xưa 17 năm nay, giờ có thêm Mỹ Duyên, Đình Toàn, Lê Khánh, Đức Thịnh... mà họ cũng không còn trẻ.

Bởi thế khi tập dượt cho vở năm nay, những “hoàng tử - công chúa” từ 9 - 15 tuổi này hết hồn nhìn lại: Trời, ai cũng cỡ 40 tuổi hết rồi!

Tham gia Ngày xửa ngày xưa từ những số đầu tiên, hiện tại nghệ sĩ Bạch Long vẫn là một trong những trụ cột của chương trình.

Dù rất mệt sau suất diễn phúc khảo, anh vui vẻ chia sẻ: “Diễn cho khán giả nhí là không được nói tục, diễn tục, cái khó là phải diễn sao để các bé hiểu được và cười được”.

Biết còn lắm khó khăn, nhưng ông bầu Huỳnh Anh Tuấn khẳng định: Rất mong muốn đem Ngày xửa ngày xưa đi lưu diễn các tỉnh, tuy nhiên nếu đem nguyên vở, nguyên êkip đi sẽ rất khó khăn.

Vì vậy, ông đành chuyển Ngày xửa ngày xưa sang phiên bản múa rối để linh động hơn, đem kịch rối đến với những khán giả nhí ở vùng sâu vùng xa vẫn còn thiếu thốn những món ăn tinh thần...

 Ngày xửa ngày xưa: Để con nít coi cho sướng!

Hơn 30.000 lượt khán giả mỗi vở

17 năm nay, mỗi vở công diễn Ngày xửa ngày xưa đã phục vụ được hơn 30.000 lượt khán giả (trung bình 30 suất/vở). Rất nhiều em ngày xưa được ba mẹ dẫn đi xem giờ tiếp tục dẫn con mình đi xem Ngày xửa ngày xưa.

Chị Ngọc Nữ - quận Tân Bình, TP.HCM - chia sẻ: “Năm nào hai con gái tôi cũng chờ đợi để được xem chương trình Ngày xửa ngày xưa.

Qua từng năm, có vở hay, có vở vẫn còn chưa hay, câu chuyện còn kéo nhây, nhưng Ngày xửa ngày xưa vẫn có sức hút với các bé mỗi khi hè về.

Tôi mong những người thực hiện cố gắng ngày càng có những câu chuyện thú vị hơn, có tính giáo dục nhẹ nhàng để phụ huynh an tâm khi cho các con đến xem”.

Tin tức mới Xem tất cả