Bay cùng 'Tiên Nga'

  08/11/2017

Câu chuyện Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga không mới, nhưng trong vở Tiên Nga (sẽ công diễn tại Nhà hát Bến Thành, TP.HCM từ 14.12 tới), NSƯT Thành Lộc đã không để người xem trôi theo lối đi quen thuộc, anh dẫn dụ họ vào thế giới thăm thẳm của mình, ở đó không chỉ có chuyện tình yêu, mà còn đau đáu nỗi niềm đất nước. Chuyện tình cổ điển giữa Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga bỗng trở thành khúc bi tráng của một thế hệ trẻ, nhất là với nhân vật nàng hầu gái Kim Liên, người đã xả thân vì nước. Điểm nhấn của Thành Lộc là đây. Anh từng nói: “Tôi cố tình viết cho nàng Kim Liên thăng hoa. Kim Liên không phải là nàng hầu gái bình thường, mà là vai chính bên cạnh Nguyệt Nga”.

 

Khi vua quan bất lực, phải lấy hồng nhan ra đánh đổi yên bình cho xã tắc, thì đến lượt nhân dân đứng lên đấu tranh bảo vệ cõi bờ. Kiều Nguyệt Nga là nạn nhân của thời cuộc, nàng thấm câu tam tòng tứ đức, cũng không biết làm gì hơn là ôm bức tượng Vân Tiên mà nhảy xuống biển để giữ tròn trinh tiết. Không thể trách nàng, vì đó là con người thật của thế hệ Nguyễn Đình Chiểu. Cụ đã lấy bản thân nho gia của mình gửi gắm vào đó. Vận nước nổi trôi theo Nguyệt Nga trên sóng nước...
Bay cùng 'Tiên nga'1

 

Nhưng Kim Liên không xuôi tay cam phận. Nàng đứng dậy tự gánh vào mình nghĩa vụ cứu sơn hà. Nàng mặc áo cô dâu sang Ô Qua để làm thích khách kẻ xâm lăng. Việc bất thành, Kim Liên chết dưới ngàn đao kiếm, nhưng khi đó bàn tay nàng đã đặt vào tay cụ Đồ Chiểu và miệng thì mỉm cười. Cụ đọc bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc để tiễn biệt nàng. Từng lời, từng chữ cụ bật ra, nước mắt khán giả rơi xuống. Khúc ca bi tráng của đất nước gói gọn trong lớp diễn tuyệt đẹp này. Đạo diễn Thành Lộc đã khéo léo kết nối với Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc để hình ảnh Kim Liên trở thành hình tượng nhân dân vĩ đại, cũng như đại diện cho những người không bao giờ bỏ rơi đất nước, đồng bào. Ngay cả khi chết rồi, hồn thiêng của nàng vẫn trôi về phương nam, giúp Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga thoát nạn. Một chút tâm linh điểm xuyết không phải để thêm chất kinh dị câu khách, mà Thành Lộc ngầm thể hiện rằng nhân dân luôn bất tử. Tất cả chúng ta đều nằm trong lòng đất mẹ vĩ đại như những câu hát của nhạc sĩ Đức Trí đã cất lên. Chủ đề tư tưởng của truyện thơ Lục Vân Tiên đã được Thành Lộc nâng thêm một bước, mà không hề lên gân, hô hào, gượng gạo, ngược lại rất ngọt ngào, rung động mỗi trái tim. Ngọt ngào đến bất ngờ khi Thành Lộc viết thẳng những câu thơ trong nguyên tác của Nguyễn Đình Chiểu vào lời thoại và có đoạn anh viết thoại bằng thơ. Đây là chất văn học đẹp lung linh mà rất lâu rồi sân khấu thiếu vắng. Khán giả ngỡ ngàng như được khơi động một tình yêu đã ngủ yên.
Xứng đáng Opera VN
Đêm phúc khảo, Nhà hát Bến Thành đông đến 2/3, đây là một điều chưa từng thấy. Rất nhiều nghệ sĩ, đạo diễn, giảng viên tên tuổi đã có mặt với câu nhận xét đồng điệu: “Đúng opera VN”. Không chỉ hoành tráng trong thiết kế sân khấu, chất opera còn thể hiện ở khí chất nội dung, khí chất lời ca, lời thoại. Ngôn ngữ của đạo diễn rất rõ ràng, không hề chung chung gọi là “dàn dựng”. Thành Lộc thông minh khi chọn một phong cách rất Nam bộ, thấp thoáng bóng dáng của cải lương nhưng lại không hề bị cải lương hóa như nhiều người lo lắng, mà khá hiện đại. Mấy chục bài hát mà Đức Trí sáng tác dù có thấp thoáng ngũ cung nhưng vẫn lọt tai người nghe hôm nay. Khán giả đã vỗ tay rất nhiều cho những đoạn hát hay như thế. Một đêm nhạc “đã đời” xứng danh nhạc kịch. Đức Trí đã song kiếm hợp bích cùng Thành Lộc cho ra một vở opera “made in Vietnam” đúng nghĩa, không hề lai tây lai tàu, ngầm nhen trong người xem niềm tự hào về chất Việt.

Tin tức mới Xem tất cả